Lý giải vì sao giá quảng cáo cao ngưỡng 1,2 tỷ/1 phút ở Táo quân 2024: Ai cũng thích "t.áo" thì chả đắt

VTV thông báo giá quảng cáo 30 giây trong chương trình Táo quân 2024 là gần 650 triệu đồng.

Ngay sau khi VTV đưa ra thông báo Táo quân 2024 vẫn lên sóng vào đúng dịp Giao thừa Tết Giáp Thìn thì Trung tâm quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam cũng công bố bảng giá quảng cáo trong chương trình.

Bảng báo giá do bà Đỗ Thị Lan Hương - Giám đốc TVAd - ký. Thời lượng quảng cáo được ấn định lần lượt: 10 giây giá 322 triệu đồng; 15 giây giá 378 triệu đồng; 20 giây giá 484 triệu đồng; 30 giây giá 645 triệu đồng.

Như vậy, nếu thương hiệu nào muốn xuất hiện khoảng 1 phút trong chương trình Táo quân 2024 sẽ phải chi ít nhất khoảng 1,2 tỷ đồng. Mức giá trên chưa bao gồm thuế GTGT.

Có thể thấy, bảng giá quảng cáo Táo quân 2024 không có quá nhiều thay đổi so với những năm trước đó.


Dàn nghệ sĩ gạo cội tham gia chương trình "Táo quân 2023" (từ trái sang phải): NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Xuân Bắc (Ảnh: VFC).

Năm 2022, bảng giá quảng cáo ở Táo quân được coi là ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, các nhãn hàng muốn xuất hiện trong buổi phát sóng Táo Quân 2022 vào đêm 30 Tết phải trả 650 triệu đồng cho quảng cáo 30 giây, 487,5 triệu cho 20 giây, 390 triệu cho 15 giây và 325 triệu đồng cho 10 giây.

Trong chương trình Táo Quân 2022 và Táo quân 2023, nhãn hàng "chịu chi" nhất là một ngân hàng khi "chiếm sóng" quảng cáo với thời lượng 140 giây (2,3 phút) ở 2 năm. Dựa theo bảng giá năm 2023 do TVAd thông báo, ngân hàng này phải chi ít nhất khoảng 3 tỷ đồng để xuất hiện trong chương trình.

Nhiều người đặt ra câu hỏi: "Vì sao có mức giá cao "ngất ngưởng", quảng cáo trên chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân vẫn luôn kín sóng nhiều năm qua?".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, giá quảng cáo trên chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân có thể coi là cao so với mặt bằng chung, nhưng con số thực tế mà một doanh nghiệp trả cho VTV có thể khác biệt.

Theo ông Long, sở dĩ như vậy là vì trong thỏa thuận quảng cáo thường có các khoản chiết khấu và ưu đãi khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời lượng, thời điểm phát sóng và mối quan hệ giữa doanh nghiệp - đài truyền hình.

"Quan trọng hơn, việc đánh giá giá trị của một quảng cáo không chỉ dựa trên con số chi phí, mà còn dựa trên giá trị mà quảng cáo mang lại. Nếu một doanh nghiệp nhận thấy rằng việc quảng cáo trong Táo quân có thể tiếp cận đúng đối tượng khán giả của họ và tạo ra hiệu ứng thương mại tích cực, họ sẽ coi đó là một khoản đầu tư xứng đáng.

Cuối cùng, quyết định tham gia quảng cáo sẽ phụ thuộc vào sự phù hợp giữa chi phí và giá trị mà quảng cáo mang lại cho doanh nghiệp", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói.

Hình ảnh vé mời tham dự ghi hình chương trình "Táo quân 2024" (Ảnh: N.H.D).

Được biết, doanh thu quảng cáo của Táo quân ở mức gần 30 tỷ đồng trong những năm gần đây, năm 2021 là 27 tỷ đồng và 28 tỷ đồng vào năm 2023.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhìn nhận, con số trên cho thấy sự ổn định và mức độ quan trọng của chương trình này trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo tại Việt Nam.

Ông Long đánh giá, dù có những biến động nhỏ về doanh thu qua các năm, nhưng tổng thể, chương trình vẫn duy trì được sức hút lớn đối với các nhà quảng cáo.

Sự ổn định này không chỉ phản ánh giá trị của Táo quân như một phần không thể thiếu trong văn hóa Tết của Việt Nam, mà còn cho thấy khả năng của chương trình trong việc thu hút khán giả, đặc biệt là vào dịp giao thừa.

"Đối với các nhà quảng cáo, đây là thời điểm vàng để tiếp cận một lượng lớn khán giả, điều này giải thích cho mức giá cao và doanh thu ổn định từ quảng cáo của chương trình.

Nhìn chung, dù thị trường quảng cáo có nhiều biến động, Táo quân vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ.

Điều này không chỉ chứng tỏ giá trị thương mại của chương trình mà còn phản ánh sự kết nối mạnh mẽ giữa chương trình và người dân Việt Nam", ông Long khẳng định.

Ông Long phân tích thêm, giả sử 30% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 30 triệu người, xem Táo quân. Khi chia doanh thu quảng cáo 30 tỷ đồng cho 30 triệu người, chi phí tiếp cận mỗi người là 1.000 đồng.

"Đây là một con số khá hợp lý khi xét đến giá trị thương hiệu của Táo quân - một chương trình được mong đợi và yêu thích hằng năm. Sự kết hợp giữa độ phổ biến cao và vị thế đặc biệt của chương trình trong văn hóa Tết ở Việt Nam làm tăng giá trị của quảng cáo trên nền tảng này.

Xét về mặt kinh tế và thương hiệu, 1.000 đồng cho mỗi lần tiếp cận người xem không phải là con số cao, đặc biệt khi so sánh với tầm ảnh hưởng và sự kết nối mà Táo quân có với khán giả.

Nếu có đủ nguồn lực, đầu tư vào quảng cáo trong chương trình này có thể là một quyết định tốt, đặc biệt khi muốn tạo ấn tượng mạnh mẽ và đạt được độ phủ sóng rộng rãi", ông Long nói.

Táo quân là chương trình hài kịch truyền hình, ra mắt lần đầu vào năm 2003, được khán giả yêu thích vì nội dung hài hước, trào phúng, đả kích thâm thúy khi nhìn lại những sự việc nổi bật mỗi năm. Sau mỗi lần phát sóng, Táo quân đều thu hút lượng lớn người xem và quan tâm.

Năm 2023, Táo quân đánh dấu chặng đường 20 năm ra mắt khán giả. Chương trình được dàn dựng theo kịch bản một cuộc thi sắc đẹp, quy tụ những gương mặt nghệ sĩ đã gắn bó gần 2 thập kỷ như: NSƯT Quốc Khánh, NSND Công Lý, NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung…