Sau trầm lắng kéo dài, thị trường bất động sản được mong đợi ấm dần lên với những động thái quyết liệt của Chính phủ và niềm tin của doanh nghiệp.
Không hẹn mà nên, hai sự kiện cũng là hai diễn đàn về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng liên tiếp được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/3 với sự có mặt của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành cùng đông đảo các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế.
Yếu tố quan trọng nhất là sự đồng thuận để chung tay hành động, đem lại chuyển động thực chất, lành mạnh cho thị trường bất động sản và điều thứ hai, quan trọng hơn, thị trường tiếp cận được người thực sự có nhu cầu về nhà để ở là thành công nổi bật của hai sự kiện.
Được xác định là ngành có tác động lớn đến nền kinh tế, trước những khó khăn, vướng mắc đang hiện diện, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi. Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt đó đã phần nào giải quyết được các vấn đề trên thị trường, từng bước tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn…
Tại sự kiện thứ nhất Diễn đàn bất động sản mùa xuân trong lần thứ IV được tổ chức ngày 15/3, điều được ghi nhận của các chuyên gia và doanh nghiệp là những đạo luật mang tính "xương sống" liên tiếp được thông qua trong năm 2023 gồm: Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sẽ nhanh chóng được cụ thể hoá bằng những nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành.
Bởi thế nói như chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, có thể coi năm 2024 là năm của các văn bản hướng dẫn 3 bộ luật nói trên bằng tinh thần cụ thể hoá được các quan điểm đổi mới, đồng thời như ông Ánh nhấn mạnh, “các văn bản hướng dẫn vẫn cần đáp ứng tích cực thực tiễn của thị trường bất động sản” để các bộ luật quan trọng nêu trên nhanh chóng đi được vào cuộc sống.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời điểm hiện tại, chưa thể đánh giá hết được những khó khăn, thách thức của thị trường bất động sản, nhưng dự báo vào giai đoạn nửa cuối năm 2024, thị trường sẽ dần đi vào ổn định và có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Cùng đó năm 2024, khả năng cao sẽ là năm cuối cùng trên hành trình "vượt chướng ngại vật" của thị trường bất động sản Việt Nam và đây sẽ là khoảng thời gian tạo nền cho thị trường bước vào một chu kỳ phát triển mới. Việc thông qua các luật nói trên vẫn theo ông Đính gửi đi một tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và sốc lại tinh thần cho giai đoạn tới.
Các ý kiến tại Diễn đàn cũng cho thấy, một vấn đề quan trọng trước mặt của thị trường bất động sản Việt Nam là cần cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường này hướng đến nhu cầu thực gắn với không chỉ phát triển nhà ở xã hội, mà còn cả nhà ở thương mại giá bình dân… bởi đây là phân khúc xuất phát từ nhu cầu và khả năng thực tế của đại đa số người dân.
Liên quan đến vấn đề này, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đưa ra một ý kiến đáng chú ý. Theo ông Hiếu, nhà ở xã hội nên phát triển cả bán và cho thuê, ai có đủ năng lực mua sẽ mua, ai không đủ thì thuê. Bên cạnh những dự án nhà ở xã hội có sẵn, có thể hỗ trợ các đối tượng chính sách thuê nhà riêng lẻ trong ngõ các khu dân cư hoặc căn hộ chung cư thương mại gần nơi làm việc..., tùy theo nhu cầu của từng đối tượng.
"Nên tiếp cận phát triển nhà ở xã hội một cách toàn diện, tổng thể, kết hợp nhiều chính sách, nhiều góc độ, nhiều cách triển khai, chứ không nên chỉ là một vài hình thức, chỉ "thế này" hay "thế kia" thì mới giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân. Việc mua hay thuê cũng không hẳn chỉ dừng lại ở các dự án nhà ở xã hội”, TS Hiếu nói.
Nhà ở xã hội cũng là chủ đề của Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 16/3 và được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Hội nghị, quan điểm được Thủ tướng nhấn mạnh là nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.
Thủ tướng nêu rõ, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.
Giải pháp để phát triển nhà ở xã hội được người đứng đầu Chính phủ nêu rất rõ. Theo đó cùng với việc triển khai đưa 3 bộ luật nêu trên vào cuộc sống, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.
“Bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở”, Thủ tướng chỉ rõ.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.
Với các địa phương, cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, Hội đồng Nhân dân ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, không đùn đẩy, né tránh.