Ứng dụng thương mại điện tử mới nổi Temu, gây ra cơn sốt lớn với mức giá siêu rẻ, bị xem là "ứng dụng nguy hiểm nhất đang lưu hành rộng rãi".
Mới vào Việt Nam từ đầu tháng 10 năm nay, nhưng ứng dụng thương mại điện tử Temu đã gây cơn sốt lớn, đầu tiên là hàng loạt các quảng cáo trên mạng xã hội với chất giọng AI phiên dịch vụng về, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng giá rẻ, ưu đãi lớn đến 90%...
Theo ghi nhận của PV đến ngày 24/10, ứng dụng Temu đã cung cấp tiếng Việt đầy đủ, giao diện thân thiện, dễ sử dụng, với đủ các ngành hàng phổ biến như thời trang, đồ điện tử, gia dụng, trẻ em, văn phòng phẩm... Một điều đáng chú ý là ứng dụng cam kết giao hàng hoàn toàn miễn phí trong thời gian giới hạn và đưa ra các mức giá "giảm sốc" cho nhiều mặt hàng khác nhau, từ 50%.
Tuy nhiên, hiện tại app chỉ chấp nhận thanh toán qua hình thức quốc tế như Apple Pay hoặc thẻ VISA, Mastercard. Ứng dụng cũng yêu cầu nhập trực tiếp thông tin thẻ và cam kết "tuân thủ Tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu của ngành thẻ thanh toán (PCI DSS) khi xử lý dữ liệu thẻ" và đảm bảo dữ liệu an toàn, được mã hóa. Đáng chú ý, app không cho người dùng tùy chọn thanh toán khi nhận hàng mà cần thanh toán ngay khi check out.
Không thể phủ nhận, mức giá có vẻ hời và ưu đãi "giảm sập sàn" là một điểm hấp dẫn của Temu, thu hút không chỉ khách hàng thương mại điện tử thông thường, mà cả những người làm nội dung tiếp thị liên kết. Gõ vào từ khóa "affiliate trên temu" lên YouTube, dễ dàng tìm thấy hàng chục kết quả video hướng dẫn kiếm hoa hồng trên nền tảng này.
Tuy nhiên, có một vài điểm cần lưu ý với mức giá Temu đưa ra mà PV ghi nhận được. Đầu tiên, mức giá "rẻ sập sàn" hầu như áp dụng với các mặt hàng không rõ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, có kiểu dáng na ná với nhiều hãng danh tiếng. Trong trường hợp một số mặt hàng đã ghi rõ tên nhãn hiệu, mẫu mã, thì không có cách nào xác nhận đúng là hàng chính hãng.
Quan trọng hơn, mức giá gốc dường như bị thổi phồng lên quá đáng để mức giảm giá có vẻ ấn tượng, dù trên thực tế có khi còn cao hơn nhiều so với giá bán chính hãng trong nước. Lấy ví dụ một mẫu tai nghe không dây được rao bán trên Temu với mức giá hơn 7,1 triệu đồng, giảm từ giá gốc gần 21 triệu đồng (khoảng 66%).
Tuy nhiên, mức giá chính hãng của chiếc tai nghe này khi mới ra mắt vào năm 2020 chỉ khoảng 8,5 triệu đồng, và hiện tại chỉ còn 5,5 triệu đồng trên trang web Sony Việt Nam sau khi chiết khấu. Vậy thì mức giá gốc 21 triệu đồng mà Temu đưa ra là từ đâu mà có?
Loạt nghi vấn trên thị trường quốc tế
Chiến lược quảng cáo rầm rộ và cạnh tranh giá rõ ràng đã giúp Temu thành công rất lớn trên thế giới, phản ánh đúng cái tên của công ty (Temu - Team Up Price Down, hay Đồng lòng giảm giá). Chỉ sau 2 tháng xuất hiện (tháng 7/2022), Temu đã vươn lên thành ứng dụng được tải nhiều số 1 trên App Store và Google Play cho đến hết năm đó. Ngoài mức giá cạnh tranh, Temu còn áp dụng chiến thuật thưởng hoa hồng cho người dùng mời được khách hàng mới sử dụng và mua hàng trên app.
Tuy nhiên theo TIME, chỉ vài tháng sau khi xuất hiện, Temu lại nổi tiếng vì giao hàng muộn hoặc lỡ đơn, giao sai, các khoản phí bí ẩn, dịch vụ khách hàng không phản hồi. Đến cuối năm đó, Temu đã phải chịu hơn 30 khiếu nại gửi đến tổ chức thúc đẩy uy tín kinh doanh Better Business Bureau và có xếp hạng khách hàng BBB dưới 1,5 sao.
Chiến lược cạnh tranh giá của Temu không khác so với công ty mẹ là gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo - mới nổi lên tại thị trường tỷ dân trong vài năm qua. Pinduoduo đã thành công tại Trung Quốc khi bán các sản phẩm giảm giá mạnh trực tiếp từ nhà sản xuất cho người mua thu nhập thấp, cũng như các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Người phát ngôn của Temu đã trả lời các câu hỏi của TIME bằng một tuyên bố từ trang web của công ty, rằng giá của app được hỗ trợ bởi "mạng lưới sâu rộng các thương gia, đối tác logistics và hệ sinh thái đã được xây dựng trong nhiều năm của Pinduoduo".
Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), sự tăng trưởng nhanh chóng của Temu một phần là do công ty này khai thác các lỗ hổng trong quy định hải quan của Mỹ, đặc biệt là quy tắc de minimis, cho phép hàng hóa có giá trị dưới 800 USD vào nước này chịu sự giám sát tối thiểu và không phải trả thuế hải quan.
Nhà bán lẻ Gap đã trả 700 triệu USD tiền thuế nhập khẩu vào năm 2022, trong khi Temu không phải trả bất kỳ khoản nào. Điều này không chỉ mang lại cho Temu lợi thế cạnh tranh không công bằng mà còn cho phép hàng giả, hàng nhái và không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường Mỹ.
Công ty nghiên cứu thị trường Grizzly Research mô tả Temu là "ứng dụng nguy hiểm nhất đang lưu hành rộng rãi". Công ty này cảnh báo rằng ứng dụng Temu có các chức năng ẩn được thiết kế để đánh cắp dữ liệu diện rộng rãi và hoạt động giống như malware tiên tiến.
Các hoạt động thu thập dữ liệu của Temu vượt xa những gì cần thiết đối với một nền tảng thương mại điện tử. Ứng dụng này yêu cầu quyền truy cập rộng rãi vào thiết bị của người dùng, bao gồm thông tin nhạy cảm như dữ liệu vị trí, danh bạ và thậm chí là quyền truy cập micro và camera. Năm 2023, ứng dụng của công ty mẹ, Pinduoduo, đã bị xóa khỏi cửa hàng Google Play do lo ngại về malware.
Các chuyên gia bảo mật cảnh báo rằng Temu có thể hoạt động như phần mềm gián điệp, thu thập dữ liệu cá nhân và hành giám sát hoặc thậm chí là tấn công mạng.
Cẩn trọng trước khi thanh toán
Giữa tháng 10, một cuộc điều tra về Temu được công bố bởi nhóm bảo vệ người tiêu dùng CHOICE tại Australia đã phát hiện ra một số sản phẩm của công ty này gây nguy hiểm khi sử dụng. Theo đó, CHOICE đã mua và thử nghiệm ngẫu nhiên 15 món đồ chơi từ Temu, hầu hết đều có nguy cơ tiềm ẩn từ pin đồng xu và pin cúc áo. Đáng chú ý, mọi sản phẩm đều không vượt qua được bài kiểm tra an toàn theo quy định của Australia.
Loạt sản phẩm này bao gồm máy chiếu, đồng hồ trẻ em, con quay, đèn trà LED và váy tutu phát sáng. Những lỗi an toàn như pin dễ tháo rời, ốc vít lỏng lẻo và nhãn không đầy đủ. Vào tháng 5, Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Anh Which cũng phát hiện ra mối nguy hiểm trong máy sưởi Temu. Các mẫu mà nhóm này thử nghiệm có khả năng gây cháy và không phù hợp để bán hợp pháp tại quốc gia này.
Cùng tháng đó, một cuộc điều tra của Dispatches thuộc kênh truyền hình Channel 4 của Anh phát hiện Temu đã quảng cáo sai sự thật một số công cụ rằng chúng được chứng nhận an toàn, bằng cách chồng tên của thương gia lên tài liệu chứng chỉ thật.
Cuối cùng, đài ABC lưu ý rằng Temu là sàn phân phối của bên thứ ba không sản xuất hoặc cung cấp những gì họ bán và chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa các bên giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao sản phẩm trực tiếp từ các nhà máy và kho hàng – chủ yếu là ở Trung Quốc – đến người mua.
Vì vậy, họ không giám sát được liệu hàng hóa trên sàn có được chứng nhận an toàn trước khi bán hay không và dựa vào việc người bán "cam kết sản phẩm an toàn và tuân thủ các quy định tại thị trường mục tiêu của họ" trong quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nói cách khác, nhiều thị trường mục tiêu hiện vẫn chưa có cách kiểm soát chất lượng sản phẩm bán trên Temu, đơn cử như Australia, theo ABC.
Trước những lo ngại hiện nay về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, trải nghiệm chăm sóc khách hàng hay rủi ro về thanh toán, người dùng có lẽ cần cẩn trọng trước mức giá "rẻ bất ngờ" trên Temu.