Giá vàng tuần qua liên tục lập đỉnh cao, nhưng đến phiên cuối tuần giá vàng đã lao dốc sau chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.
Chốt phiên giao dịch tuần qua, chiều 13/4, giá vàng miếng được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 80,6 - 83,1 triệu đồng/lượng (mua - bán). Cùng thời điểm, giá vàng miếng cũng được SJC niêm yết ở mức 80,6 - 83,1 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Nếu so với mức đỉnh cao nhất lịch sử 85 triệu đồng/lượng lập được vào sáng 12/4 thì mỗi lượng vàng giảm 1,5 - 1,9 triệu đồng.
Còn nếu so với mức giá vàng miếng đầu tuần (ngày 8/4) được niêm yết ở mức 79,7 - 81,7 triệu đồng/lượng (mua - bán) thì giá vàng miếng tăng 900.000 đồng/lượng (mua vào) và tăng 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó, chiều nay giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 74,05 - 76,15 triệu đồng/lượng (mua - bán) và SJC niêm yết ở mức 74,3 - 76,2 triệu đồng/lượng (mua - bán).
So với đầu tuần khi giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 72,45 - 73,75 triệu đồng/lượng (mua - bán) thì giá vàng nhẫn hiện đã tăng 1,85 - 2,4 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ sau 1 tuần, người mua vàng miếng lỗ 1,1 triệu đồng/lượng, còn người mua vàng nhẫn lãi 550.000 đồng/lượng.
Tuần qua, dù giá vàng nhiều phiên liên tiếp leo đỉnh và lập kỷ lục mới về giá, tuy nhiên đến 2 phiên cuối tuần, giá vàng lại liên tục lao dốc.
Nếu ai mua vàng vào sáng qua (12/4) thì đến sáng nay đã lỗ 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đã giảm mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng cung vàng miếng để xử lý chênh lệch giá.
Theo đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo kết luận về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp gồm:
Với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Đồng thời, cơ quan này cũng thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Trước đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.