Sàn giao dịch tiền mã hóa (Cryptocurrency exchange) hay còn gọi là sàn giao dịch tiền điện tử (Digital currency exchange/DCE) là nền tảng cho phép người dùng mua, bán và trao đổi các loại tiền mã hóa như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), USDT và nhiều loại khác.
Các sàn giao dịch hoạt động như một cầu nối giữa người mua và người bán, giúp giao dịch diễn ra nhanh chóng và an toàn hơn.
Hiện nay, sàn giao dịch tiền mã hóa được chia thành hai loại chính:
- Sàn giao dịch tập trung (CEX - Centralized Exchange).
- Sàn giao dịch phi tập trung (DEX - Decentralized Exchange)
Sàn giao dịch tập trung
Sàn giao dịch tập trung được điều hành bởi một công ty hoặc tổ chức trung gian, cung cấp nền tảng giao dịch, dịch vụ hỗ trợ và bảo mật tài sản.
Một số sàn CEX phổ biến hiện nay gồm: Binance, Coinbase, OKX, KuCoin, Bybi,...
- Ưu điểm của sàn giao dịch tập trung:
+ Thanh khoản cao, giao dịch nhanh chóng.
+ Giao diện thân thiện, dễ sử dụng.
+ Hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp.
- Nhược điểm:
+ Cần xác minh danh tính (KYC) để sử dụng đầy đủ các tính năng.
+ Dễ bị hacker tấn công do tập trung dữ liệu.
Sàn giao dịch phi tập trung
Sàn giao dịch phi tập trung hoạt động dựa trên công nghệ blockchain và smart contract, giúp người dùng giao dịch trực tiếp mà không cần thông qua bên thứ ba.
Một số sàn DEX phổ biến gồm: Uniswap (trên Ethereum), PancakeSwap (trên Binance Smart Chain), dYdX, SushiSwap.
- Ưu điểm của sàn giao dịch phi tập trung:
+ Không cần đăng ký hay xác minh danh tính.
+ Kiểm soát hoàn toàn tài sản của mình.
+ Minh bạch và bảo mật cao.
- Nhược điểm:
+ Tốc độ giao dịch có thể chậm hơn do phụ thuộc vào blockchain.
+ Giao diện phức tạp, khó sử dụng với người mới.
+ Thanh khoản thấp hơn so với sàn CEX.
Lưu ý: Thông tin Sàn giao dịch tiền mã hóa là gì? chỉ mang tính chất tham khảo.
Tiền ảo có phải là phương tiện thanh toán hợp pháp không?
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, quy định về phát hành tiền giấy, tiền kim loại như sau:
Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, hiện nay tiền ảo và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, căn cứ Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 quy định như sau:
...Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Theo đó, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.