Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình Việt lại tất bật chuẩn bị lễ cúng tiễn Táo quân lên thiên đình để tường trình với Ngọc Hoàng về những sự kiện lớn nhỏ của gia chủ trong năm qua.
Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống, là dịp để bày tỏ lòng biết ơn và gửi gắm ước nguyện về một năm mới bình an, đủ đầy. Ông Táo lên chầu trời mấy ngày và bao giờ sẽ trở về trần gian là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi tìm hiểu về phong tục cúng ông Công ông Táo.
Ông Táo lên chầu trời mấy ngày?
Quan niệm của dân gian về số ngày Táo quân ở lại thiên đình không thống nhất. Nhiều người tin rằng ông Táo sẽ quay lại trần gian vào đêm giao thừa để tiếp tục nhiệm vụ cai quản bếp núc và phù trợ gia đình trong năm mới; nghĩa là thời gian lên chầu của Táo quân sẽ kéo dài 6-7 ngày kể từ 23 tháng Chạp, tùy thuộc vào lịch âm từng năm (tháng Chạp năm đó có 29 hay 30 ngày).
Vì vậy mà một số gia đình tổ chức lễ đón ông Táo trở về vào ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết nếu tháng Chạp thiếu).
Ông Táo lên chầu trời mấy ngày? Ảnh minh họa: Pinterest.
Có quan niệm cho rằng chỉ ngày ông Táo lên chầu Trời là rõ ràng, còn thông tin ông Táo lên chầu trời mấy ngày lại để ngỏ. Việc Táo quân trở về trần gian vào ngày nào còn phụ thuộc vào công việc cụ thể trên thiên đình. Chính vì vậy, phần lớn mọi người chỉ làm lễ tiễn Táo quân chứ không tổ chức lễ đón.
Ngoài ý nghĩa tiễn Táo quân, ngày 23 tháng Chạp còn là dịp để các gia đình sơ kết một năm sắp qua và chuẩn bị bước sang năm mới. Vì thế, đây cũng là ngày các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng và chia sẻ những câu chuyện của năm qua
Mâm cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Lễ cúng tiễn ông Táo lên trời thường được chuẩn bị trang trọng, thể hiện mong muốn cầu xin những điều tốt lành cho gia đình. Mâm cúng đầy đủ còn tượng trưng cho ước vọng về một năm mới sung túc, an khang.
Lễ vật cúng ông Táo gồm:
Mũ ông Táo: 3 chiếc, gồm 2 mũ có cánh chuồn dành cho Táo ông và 1 mũ không cánh chuồn dành cho Táo bà.
Quần áo giấy: 2 bộ nam và 1 bộ nữ.
Hài Táo quân: 2 đôi hài nam và 1 đôi hài nữ.
Các lễ vật khác: Trái cây tươi, cau trầu tươi, hương, nến, rượu nếp hoặc trà.
Cá chép được xem là phương tiện để các Táo về trời. Người miền Bắc thường chuẩn bị 3 con cá chép đỏ sống thả trong chậu nước với quan niệm "cá chép hóa rồng" đưa các Táo chầu trời. Sau lễ, cá sẽ được phóng sinh ở ao, hồ, hoặc sông. Trong khi đó, người miền Trung sử dụng ngựa giấy, còn người miền Nam chọn mũ, áo hài và cá chép giấy đơn giản hơn.
Mâm cơm cúng ông Táo:
Tùy vào điều kiện gia đình, mâm cơm cúng có thể là món mặn hoặc chay, không cần quá cầu kỳ. Một số món phổ biến gồm:
Gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc).
Xôi gấc (hoặc xôi lá cẩm, xôi đậu, xôi lá nếp).
Giò lợn luộc, bánh chưng.
Canh măng chân giò (hoặc canh mọc).
Rau xào thập cẩm, chả rán, thịt đông.
Một chén gạo và một chén muối.
Ngoài ra, nhiều gia đình còn thêm các món chè như chè hoa cau, chè trôi nước, chè kho, hoặc các loại bánh trái. Lễ cúng không chỉ là lời tiễn đưa các Táo mà còn thể hiện lòng thành kính và mong ước gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới.