Phát hiện thêm hai chất lạ trong men gạo đỏ Nhật gây chết người

Bộ Y tế Nhật Bản ghi nhận thêm hai hợp chất lạ trong sản phẩm men gạo đỏ (beni kо̄ji) của hãng dược Kobayashi.

 2 sản phẩm men gạo đỏ beni-koji của hãng dược Kobayashi khiến nhiều người phải nhập viện. Ảnh: Kyodo

Viện Khoa học Y tế Quốc gia đã phân tích mẫu thành phần beni kо̄ji trong ba năm qua từ Kobayashi Pharmaceutical, đặc biệt là những mẫu sản xuất từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái. Đây là giai đoạn nhiều người báo cáo vấn đề sức khỏe.

Họ tìm thấy hai hợp chất sinh ra do tình trạng nhiễm nấm mốc xanh trong quá trình sản xuất, hôm 30/5. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đang nghiên cứu thêm tác động của hai hợp chất còn lại đối với sức khỏe, chưa có kết luận cuối cùng.

Ở thử nghiệm trên chuột trước đó, các nhà khoa học cũng phát hiện axit puberulic, một hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ nấm mốc xanh, xuất hiện ở loại thực phẩm chức năng này. Axit puberulic ảnh hưởng xấu đến thận. Ở chuột thí nghiệm, chất này gây tình trạng hoại tử. Bộ Y tế tin rằng hiện tượng nhiễm nấm mốc xanh xảy ra trong quá trình trồng mạch nha gạo đỏ.

Trước đó, Kobayashi Pharmaceutical đã thu thập các chất từ phòng ủ tại thành phố Osaka, chất có trên bề mặt bên trong nắp bể nuôi cấy ở nhà máy phụ quận phía tây Wakayama.

Kể từ đầu tháng 4, Nhật Bản phát hiện nhiều trường hợp gặp vấn đề liên quan đến thận sau khi sử dụng sản phẩm men gạo đỏ. Đến nay, 5 người đã tử vong. Kobayashi tự nguyện thu hồi khoảng 300.000 gói beni-koji. Lệnh thu hồi được mở rộng trên toàn quốc, bao gồm các mặt hàng thực phẩm và gia vị có thành phần là beni-koji. Men gạo đỏ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong ngành công nghiệp thực phẩm, chẳng hạn tạo màu và tạo hương vị.

Tại Trung Quốc, việc bán sản phẩm trực tuyến đã bị đình chỉ. Sản phẩm cũng ngừng lưu hành tại Đài Loan. Theo truyền thông Trung Quốc, có thể quá trình lên men beni-koji đã sản sinh ra chất citrinin độc hại, dẫn đến bệnh thận. Tuy nhiên, hãng dược Kobayashi khẳng định sản phẩm không có thành phần citrinin.

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết chưa cấp phép lưu hành cho các sản phẩm trên tại Việt Nam, khuyến cáo người dân không mua qua mạng xã hội theo đường xách tay.

"Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật", Cục An toàn Thực phẩm nêu.

Theo NHK, Japan Times