Kết thúc ngày giao dịch 21/2, giá dầu bật tăng khoảng 1% do lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông gia tăng cũng là động lực thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,35% lên 78,08 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,84% lên 83,03 USD/thùng.
Thị trường dầu vẫn duy trì trạng thái “bù hoãn bán” (backwardation), một cấu trúc mà giá của hợp đồng kỳ hạn gần cao hơn hợp đồng kỳ hạn xa, cho thấy các nhà giao dịch đang lo ngại về tình trạng nguồn cung khan hiếm.
Theo dữ liệu mới nhất từ Khu công nghiệp dầu Fujairah (FOIZ), dự trữ sản phẩm dầu tại cảng Fujairah của UAE, trung tâm cung cấp nhiên liệu lớn thứ ba thế giới, đã giảm 13% xuống 16,648 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/2, đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 7 tháng. Trong đó, dự trữ sản phẩm chưng cất bậc nặng giảm 11%, dự trữ sản phẩm chưng cất bậc nhẹ giảm 9,2% và dự trữ sản phẩm chưng cất bậc trung giảm 29%.
Ngoài ra, triển vọng giá dầu tích cực từ phía Deutsche Bank cũng góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường. Deutsche Bank cho rằng thị trường gần như cân bằng trong nửa đầu năm và nhu cầu tăng theo mùa trong nửa cuối năm sẽ đẩy giá dầu Brent lên 88 USD/thùng vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục được đẩy lên cao khi Israel tăng cường các chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza. Trước ảnh hưởng của xung đột Israel - Hamas, nguy cơ nguồn cung trong khu vực bị gián đoạn còn hiện hữu cũng là yếu tố góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên bật tăng gần 13% từ mức thấp nhất trong ba năm rưỡi trước thông tin Chesapeake Energy dự kiến cắt giảm khoảng 30% sản lượng vào năm 2024 trước tình trạng thị trường dư cung. Chesapeake sắp trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất của Mỹ sau khi sáp nhập với Southwestern Energy