Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng riêng Việt Nam mà ảnh hưởng các vùng trồng toàn cầu. Do đó ngay cả khi Indonesia, Brazil sắp vào vụ thu hoạch, giá cà phê Việt Nam khó có thể hạ nhiệt.
Từ vùng giá 40.000-50.000 đồng/kg duy trì xuyên suốt năm 2022 đầu năm 2023, giá cà phê từ tháng 4/2023 đến nay liên tục tăng, lần lượt chinh phục các mốc mới. Hôm 16/3, giá cà phê lên cao nhất mọi thời đại, ở mức 93.000 đồng/kg. Trong suốt một tuần nay, giá cà phê trong vùng 91.000 đồng/kg, tăng đến 95% so với cùng kỳ.
"Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng riêng Việt Nam mà ảnh hưởng các vùng trồng toàn cầu. Niên vụ 2023-2024 dự báo chịu tác động của El Nino lớn hơn so với các niên vụ trước. Những nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng niên vụ năm nay giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm 10%", ông nói.
Nhắc đến câu chuyện của Indonesia, các vùng trồng tại đây từng đối mặt thời tiết bất thường với lượng mưa lớn kỷ lục do ảnh hưởng của La Nina từ năm 2020-2022, theo Reuters. Năm ngoái, họ tiếp tục chịu đựng đợt hạn hán khắc nghiệt do ảnh hưởng của El Nino.
Tác động kéo dài của thời tiết bất lợi khiến vụ thu hoạch cà phê năm nay ở Indonesia được dự báo ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm. Niên vụ 2022-2023, Indonesia ghi nhận sản lượng cà phê đạt gần 12 triệu bao (loại 60 kg) nhưng tổng sản lượng niên vụ năm nay dự kiến sẽ giảm mạnh xuống dưới 10 triệu bao.
Sản lượng ca phê niên vụ 2023-2024 dự báo giảm xuống thấp nhất trong nhiều năm. (Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Trong khi đó, sản lượng của Brazil niên vụ 2023-2024 dự báo khả quan hơn nhưng mức tăng không phải quá lớn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê của Brazil dự báo tăng 3,7 triệu bao lên 66,3 triệu bao, tương ứng tăng nhẹ khoảng 6% so với niên vụ trước. Mức tăng này chủ yếu nhờ sản lượng arabica dự báo tăng.
Tuy nhiên, thu hoạch cà phê robusta được dự báo sẽ giảm 1,4 triệu bao xuống còn 21,4 triệu bao do lượng mưa giảm và nhiệt độ xuống thấp hơn, làm ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa ở các vùng trồng ở Espirito Santo, khu vực chính trồng cà phê robusta ở Brazil.
Sản lượng arabica của Brazil dự báo tăng trong khi sản lượng robusta có thể giảm. (Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Tình trạng khan hàng năm nay có thể đến sớm hơn
Trong bối cảnh nguồn cung thấp, tồn kho cũng thấp nhất trong nhiều năm, theo đánh giá của Chủ tịch Vicofa, năm nay tình trạng khan hàng có thể đến sớm hơn do các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng đang chờ hàng vụ mới để gom và giao cho khách hàng.
"Niên vụ 2022-2023, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm. Nếu như các năm trước tồn kho thường khoảng 150.000 tấn, thì niên vụ vừa qua chỉ khoảng 50.000 tấn. Năm ngoái từ tháng 7, tháng 8 doanh nghiệp đã thiếu hàng xuất khẩu, họ phải đợi đến mùa vụ mới 2023-2024 để gom hàng", ông nói.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thì cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi cách làm, quan tâm nhiều hơn về việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chuỗi liên kết.
"Doanh nghiệp nên liên kết nhiều hơn với các hợp tác xã và làm việc trực tiếp với họ thay vì làm việc với từng nông dân, tránh mua phải hàng trôi nổi đồng thời chủ động hơn trong nguồn hàng trong bối cảnh khan hàng có thể đến sớm hơn năm nay", ông nói.
Trong khi đó, số liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho thấy hai tháng đầu năm, Brazil xuất khẩu cà phê nhân sang thị trường Việt Nam tăng 26% so với cùng kỳ.
Lý giải con số này, ông Trịnh Đức Minh cho hay Việt Nam nhập cà phê từ Brazil để phục vụ ngành cà phê hòa tan trong nước do giá thấp hơn.
Năm 2024, dù sản lượng giảm nhưng do giá tăng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo vẫn tăng trưởng khá. Vicofa cho rằng kim ngạch năm nay có thể đạt 4,5 - 5 tỷ USD.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,24 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay.