Phiên giao dịch 9/4, vàng nhẫn tăng khoảng 3,3 triệu đồng/lượng, vàng miếng tăng thêm khoảng 2,4 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng trong nước lên mức cao chưa từng có.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá Quý SJC niêm yết giá vàng miếng lúc kết phiên giao dịch 9/4 ở mức 82,8 - 84,8 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đặc biệt, giá bán ra của vàng miếng SJC loại 5 chỉ ở mức 84,82 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC loại 2 chỉ, 1 chỉ, 5 phân ở mức 84,83 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji lúc kết phiên là 82,5 - 84,7 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Bên cạnh đó, giá vàng nhẫn tròn 9999 lúc kết phiên tại Doji ghi nhận mức giá 76,15 - 77,85 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đây cũng là mức giá vàng nhẫn cao nhất từng ghi nhận tại thị trường trong nước.
SJC niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn loại 1-5 chỉ ở mức giá 74,3 - 75,7 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Chỉ tính riêng trong ngày 9/4, giá vàng miếng tăng thêm khoảng 2,4 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn tăng khoảng 3,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đột biến được cho là do giá thế giới trong xu thế tăng mạnh. Lúc 18h ngày 9/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.356 USD/ounce, tăng khoảng 16 USD so với đầu giờ sáng.
Tuy nhận định đây là cơ hội chốt lời hiếm có với người mua vàng, song theo các chuyên gia, giá vàng thế giới khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm khi đã tăng quá nóng, kéo theo giá vàng trong nước cũng hạ.
Do đó, thời điểm này, người dân có thể giữ vàng nhưng không nên quá ham "lướt sóng", bởi khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo giá vàng trong nước suy giảm trở lại.
Thay vào đó, khách hàng nên chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới lẫn trong nước đều đang ở mức “đỉnh”, rủi ro là khá lớn.