Nhiều người lo ngại việc giá điện tăng 4,8% sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm, nhưng các chuyên gia lại cho rằng sự ảnh hưởng không quá lớn.
Nhiều người lo ngại việc giá điện tăng 4,8% sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm, nhưng các chuyên gia lại cho rằng sự ảnh hưởng không quá lớn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - việc tăng giá điện hay giá xăng dầu thường tác động đến chỉ số lạm phát. Nhưng lần này, sự ảnh hưởng là không đáng kể và không thể gây ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra vì mức tăng giá điện 4,8% không quá lớn.
"Tập đoàn Điện lực EVN cũng đã tính toán kỹ và cho biết việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,04%. Trong khi đó, theo công bố của Tổng Cục Thống kê, lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 2,69%. Con số này cho thấy khả năng cao lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là kiểm soát trong giới hạn 4 - 4,5%”, ông Thành nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - việc tăng giá điện hay giá xăng dầu thường tác động đến chỉ số lạm phát. Nhưng lần này, sự ảnh hưởng là không đáng kể và không thể gây ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra vì mức tăng giá điện 4,8% không quá lớn.
"Tập đoàn Điện lực EVN cũng đã tính toán kỹ và cho biết việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,04%. Trong khi đó, theo công bố của Tổng Cục Thống kê, lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 2,69%. Con số này cho thấy khả năng cao lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là kiểm soát trong giới hạn 4 - 4,5%”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng việc giá cả một số mặt hàng tăng mạnh thời gian qua ở một số nơi chắc chắn không phải do tác động của giá điện. Cụ thể, cơn bão số 3 xảy ra trong tháng 9 là nguyên nhân khiến giá cả tại các tỉnh phía Bắc có sự tăng đột biến, trong khi giá điện mới chỉ điều chỉnh vài ngày nên không thể tác động nhanh như thế được.
“Bên cạnh đó, một yếu tố may mắn nữa là giá dầu trên thế giới đã giảm. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì sẽ có lợi cho việc kiềm chế lạm phát ở trong nước”, ông Thành nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc tăng giá điện có thể dẫn đến gia tăng lạm phát nhưng không lớn.
“Với việc giá điện bình quân tăng khoảng 4,8% thì số tiền người dân, doanh nghiệp phải đóng thêm không quá lớn, chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Ngành điện cũng đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế trước khi quyết định điều chỉnh. Hơn nữa, thời gian còn lại của năm 2024 chỉ khoảng hơn 2 tháng nên giá điện tăng thời điểm này cũng sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI cả năm. Theo tính toán, tiền điện sẽ làm chỉ số này tăng khoảng 0,04%”, ông Thịnh nói.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích: “Số liệu của Tổng Cục Thống kê đã tính toán nếu giá điện tăng 10% thì chỉ số CPI của toàn nền kinh tế sẽ tăng 0,33 điểm %. Như vậy với con số này thì việc giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số lạm phát hay CPI cả năm, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, việc giá điện tăng sẽ khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận giảm, trong khi người dân cũng đối mặt với chi phí chi tiêu tăng hơn so với trước”.
Do vậy, ông Lâm cho rằng, trong bối cảnh giá điện tăng, doanh nghiệp cần phải tiết giảm chi phí, sắp xếp lại cơ cấu giá sản xuất để hạn chế đầu vào, giúp lợi nhuận không bị giảm đi, thay vì việc tăng giá thành.
“Chi phí sản xuất tăng là đương nhiên, doanh nghiệp buộc phải thích nghi nếu muốn duy trì mức lợi nhuận. Phải cân nhắc những chi phí nào không cần thiết để tiết giảm đi chứ không thể tăng giá thành sản phẩm, điều đó không hợp lý và không dẫn đến phát triển bền vững”, ông Lâm nêu quan điểm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 7.000 doanh nghiệp dệt may. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp từ khu vực Nam Trung Bộ trở vào các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đều sử dụng năng lượng mặt trời áp mái.
“Các doanh nghiệp đã chủ động nguồn điện đến hơn 80%, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn lắp đặt công suất lớn, có thể bán lên lưới điện quốc gia. Do đó việc tăng giá điện ở mức 4,8% cơ bản ảnh hưởng không nhiều đến giá thành sản phẩm. Khi giá thành sản phẩm tăng không đáng kể thì lạm phát cũng không bị tác động”, ông Giang nhận định.
Ngày 11/10, EVN phát đi thông báo giá bán lẻ điện bình quân bắt đầu tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8%.
Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0-50kWh) là 1.893 đồng/kWh.
Bậc 2 cho kWh từ 51-100 có giá là 1.956 đồng/kWh.
Bậc 3 cho kWh từ 101-200 có giá là 2.271 đồng/kWh
Bậc 4 cho kWh từ 201-300 có giá là 2.860 đồng/kWh
Bậc 5 cho kWh từ 301-400 có giá là 3.197 đồng/kWh
Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh
EVN cho biết, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Đây là lần điều chỉnh tăng giá điện thứ 3 kể từ năm 2023. Trước đó, giá điện đã tăng lần thứ nhất vào ngày 4/5/2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9/11/2023 là 86,4168 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4,5%).