Những thông tin về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong đó, giá vé là yếu tố quan trọng.
Trong tờ trình gửi Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cho biết, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông.
Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau. Giá vé đề xuất này không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến mất khoảng 5 giờ 20 phút để đi từ Hà Nội đến TP.HCM. - Ảnh minh họa Al
"Tham khảo giá vé bình quân của 2 hãng có thị phần lớn nhất là Vietnam Airlines và VietJet, sơ bộ tính toán tại thời điểm hiện tại: vé hạng nhất 0,180 USD/km (khoang VIP); hạng 2 là 0,074 USD/km; hạng 3 là 0,044 USD/km. Với mức nêu trên sơ bộ đối với chặng Hà Nội - TP.HCM: vé hạng nhất 6,9 triệu đồng; vé hạng 2 là 2,9 triệu đồng; vé hạng 3 là 1,7 triệu đồng. Giá vé đường sát cao tốc Bắc - Nam bằng 75% so với mức giá này", tờ trình nêu.
Cũng theo đề xuất của Bộ GTVT, dự kiến tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là 1.541km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 23 nhà ga hành khách, 5 ga hàng hóa và 20 tỉnh thành. Trên quãng đường này, đơn vị vận hành sẽ bố trí nhiều mác tàu khác nhau.
Trong đó, tàu loại 1 sẽ chạy từ Hà Nội đến TP.HCM, chỉ dừng ở 5 ga lớn là Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và Thủ Thiêm với khoảng 5 giờ 20 phút.
Tàu loại 2 cũng chạy xuyên suốt Bắc - Nam nhưng sẽ dừng xen kẽ các ga (tàu 2A dừng tại ga chẵn, loại 2B dừng tại ga lẻ). Với loại tàu này, thời gian đi từ Hà Nội đến TPHCM là 7 giờ 25 phút.
Ngoài ra, tàu loại 2C sẽ khai thác trên các khu đoạn như: Hà Nội - Vinh; Hà Nội - Đà Nẵng; TP.HCM - Nha Trang; TP.HCM - Đà Nẵng…
Trước đó, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ Giao thông Vận tải, tốc độ thiết kế của tàu được đề xuất là 350km/h. Với tốc độ này, quãng đường dài 1.541km từ điểm đầu Hà Nội đến điểm cuối TP.HCM chỉ mất khoảng 5 giờ 20 phút.
Theo đánh giá của đội ngũ tư vấn lập dự án, việc lựa chọn vận tốc thiết kế 350km/h sẽ giúp tuyến đường sắt tốc độ cao cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác như hàng không, đường bộ trong lĩnh vực vận tải hành khách. Hiện, tuyến tàu nhanh nhất của Đường sắt Việt Nam tốn khoảng 33 giờ để di chuyển từ ga Hà Nội đến ga TP.HCM. Với xe khách, thời gian di chuyển quãng đường tương tự là 35-45 giờ (tùy loại xe).
Máy bay đang là phương tiện đi lại nhanh nhất giữa Hà Nội và TPHCM với thời gian bay chỉ khoảng 2 giờ 10 phút. Tuy nhiên, hành khách đi máy bay phải tốn thêm thời gian làm thủ tục và chịu rủi ro chậm chuyến.
Những thông tin về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân. Bởi khi dự án này hoàn thành, hành khách có thể hiện thực hóa giấc mơ sáng ở Hà Nội, trưa ở TP.HCM.
Anh Phạm Văn Hải (Thanh Trì, Hà Nội) nói: "Thử tưởng tượng 6h tôi ăn sáng ở Hà Nội, sau đó ra ga Ngọc Hồi gần nhà để vào TP.HCM thăm người thân. Vậy chỉ khoảng buổi trưa là tôi đã có mặt tại TP.HCM, ăn trưa, uống cà phê cùng bạn bè trong đó. Đây là điều trước nay không ai có thể nghĩ sẽ thành hiện thực, nếu không đi máy bay".
Bộ GTVT cho biết tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án đầu tư gồm: phương án đầu tư toàn tuyến, cơ bản hoàn thành năm 2035 và phương án đầu tư phân kỳ hai giai đoạn, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2040. Đánh giá từng phương án cho thấy phương án đầu tư toàn tuyến có ưu điểm là phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác; đánh giá các chỉ tiêu kinh tế cho thấy phương án này cao hơn phương án phân kỳ đầu tư. Nhược điểm của phương án này là áp lực về vốn và tổ chức thực hiện cao hơn.
Trong khi đó, phương án phân kỳ đầu tư thì trong giai đoạn phân kỳ, chỉ đảm nhận được hành khách đi lại với cung đoạn ngắn (Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang), không đảm nhận được lượng hành khách đi lại với hành trình dài. Phương án này có ưu điểm là áp lực về vốn và tổ chức thực hiện không quá lớn. Nhược điểm của phương án là giai đoạn đầu chưa khai thác toàn tuyến sẽ làm giảm hiệu quả tổng thể đầu tư dự án.
Do đó, Bộ GTVT kiến nghị phương án đầu tư toàn tuyến. Số vốn đầu tư dự kiến khoảng 43,69 triệu USD/km.
Theo Bộ GTVT, đây là mức trung bình so với một số tuyến khác trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024 như tuyến Nuremberg - Ingolstadt (Đức), tốc độ khai thác 300 km/giờ, vốn đầu tư 60,5 triệu USD/km; tuyến LGV Sud Europe - Atlantique (Pháp), tốc độ khai thác 300 km/giờ, suất đầu tư 45,2 triệu USD/km.
Ngoài ra, tuyến Osong - Mokpo (Hàn Quốc), tốc độ khai thác 305 km/giờ, suất đầu tư 53,6 triệu USD/km; tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc), tốc độ khai thác 350 km/giờ, vốn đầu tư 33,1 triệu USD/km; tuyến Jakarta - Bandung (Indonesia), tốc độ khai thác 350 km/giờ, suất đầu tư lên tới 52 triệu USD/km.