Dũng tướng nào phải bỏ mạng oan vì miếng dưa hấu?

Một vị tướng quân lão làng thời Lê, từng giết hàng ngàn quân địch trên chiến trường, nhưng cuối cùng lại bỏ mạng chỉ vì một miếng dưa hấu.

Ông chính là Nguyễn Kim (1468 - 1545) - công thần của nhà Lê, người có công gây dựng triều Lê Trung Hưng.

Nguyễn Kim sinh ra trong gia đình truyền thống ở làng Bái Trang, Tống Sơn, xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Là lão tướng dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, ông đóng góp to lớn vào việc hoàn thành sứ mệnh ''phù Lê diệt Mạc'' nổi tiếng chính sử.

Với dòng tộc, ông được coi là vị Triệu Tổ, tức người có công khởi tạo nên thời kỳ bắt đầu của dòng họ vương triều sau này với 9 đời chúa, 13 đời vua Nguyễn. Chính vì thế Nguyễn Kim được phong là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế dù không phải là vua.

Nguyễn Kim là vị tướng quân lão làng thời Lê nhưng sau lại bỏ mạng chỉ vì miếng dưa hấu. Ảnh minh hoạ

Nhà Lê từ thời Lê Tương Dực bắt đầu suy yếu, nội bộ triều đình chia bè kết phái đấu đá lẫn nhau. Bên ngoài, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra liên tiếp. Lúc bấy giờ, Mạc Đăng Dung - võ tướng nhà Lê đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy và nắm luôn quyền điều hành nhà Lê. Năm 1527 sau khi vị vua cuối cùng nhà Lê Sơ là Lê Cung Hoàng bị phế truất, Mạc Đăng Dung giành ngôi vua, lập ra nhà Mạc.

Sau khi nhà Lê Sơ sụp đổ, một số bộ phận quan lại bỏ về quê hương sống cuộc đời ẩn dật, số khác theo thời thế, ngả sang nhà Mạc và tiếp tục tiến thân. Riêng tướng Nguyễn Kim không chấp nhận thời cuộc đã định, ông tập kết những người cùng chung chí hướng, sau đó đưa con của vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lên làm vua, tên hiệu là Lê Trang Tông. Sau khi lên ngôi, vua Lê phong Nguyễn Kim làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự với sứ mệnh "phù Lê diệt Mạc" .

Phía nhà Mạc, Mạc Phúc Hải lên ngôi vua (1543) sau khi Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh chết. Vua Lê Trang Tông thân chinh đi đánh, lấy được Tây Đô, củng cố vị thế và bắt đầu triều đại Lê Trung Hưng với sự phò trợ đắc lực của Nguyễn Kim. 

Sử gia Lê Quý Đôn nhận định trong sách Đại Việt thông sử: “Nguyễn Kim lấy thân phận là tướng già của con nhà thế thần, giữ vững tiết tháo, lật đật nơi hang núi, cố chí lo toan việc khôi phục, rước lập thế tử, nối lại tông thống, đánh kẻ loạn tặc, phá đám chông gai, mở mang canh thổ Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng hàng hơn ngàn dặm. Cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước nhà, thực bắt đầu từ đây. Như thế chả phải là người bầy tôi xã tắc đó ư?”.

Là lão tướng dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, vị quân sư đắc lực góp phần quan trọng vào việc hoàn thành sứ mệnh "phù Lê diệt Mạc" nổi tiếng trong chính sử, thế nhưng Nguyễn Kim lại có kết cục đầy oan khuất.

Theo sách Đại Nam thực lục: "Ngày Tân Tỵ, tháng Năm, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông bị hàng tướng Mạc (tên Trung) đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. (Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ)...".

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, người đầu độc Nguyễn Kim là tướng Dương Chấp Nhất của nhà Mạc. Năm 1545, Chấp Nhất giả vờ đầu hàng nhà Lê, mời Nguyễn Kim sang chơi bên quân doanh của mình. Bấy giờ đương lúc nắng nóng, Chấp Nhất mời Nguyễn Kim ăn dưa. Sau khi ăn về đến quân doanh, Nguyễn Kim cảm thấy trong người không được khỏe và qua đời ngay sau đó. Dương Chấp Nhất ngay trong đêm đó trốn về với nhà Mạc.

Sau khi Nguyễn Kim mất, vua Lê Trang Tông vô cùng thương tiếc, truy tặng ông là Chiêu huân tinh công, đặt tên thụy là Trung Hiến, sai quân đem về quê ở Tống Sơn mai táng trên núi Thiên Tôn.