Thay vì nghỉ ngơi, cải tạo sức lao động nhiều người tranh thủ làm xuyên kỳ lễ 30/4 và 1/5 để có mức thu nhập 'rủng rỉnh'.
Bộ Nội vụ vừa gửi công văn nêu ý kiến về đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Theo đó, Bộ Nội vụ nhất trí với phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu, nghỉ thêm ngày 29/4, bố trí làm bù sau để nối dài kỳ nghỉ. Bộ này thống nhất nội dung dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị.
Cụ thể, năm 2024, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có ngày 29/4 (thứ hai) nằm giữa 2 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4), chuyển sang làm bù ngày khác. Thêm 1 ngày nghỉ ở giữa, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục.
Sau khi phương án hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ được thông qua, nhiều người háo hức lên lịch về quê sum họp cùng gia đình, đi du lịch, tuy nhiên không ít trường hợp chọn làm xuyên kỳ nghỉ lễ để có được mức thu nhập rủng rỉnh. Vậy chế độ làm việc của người lao động vào ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ được tính thế nào?
Tiền lương cho người lao động đi làm xuyên kỳ nghỉ lễ được tính thế nào?
Tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động 2019, quy định các ngày lễ như Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 là những dịp mà người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.
Cụ thể, ngày Chiến thắng: 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1/5 dương lịch).
Cùng với đó, khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định: "Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp".
Theo quy định tại Điều 98 và Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu đi làm đúng ngày 30/4 và 1/5 thì ngoài tiền lương ngày nghỉ lễ, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ.
Vì thế, trong trường hợp có người lao động muốn làm việc vào những ngày được phép nghỉ lễ, họ sẽ được tính lương làm thêm dịp nghỉ lễ. Theo đó, người lao động sẽ được trả lương làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày bình thường.
Công thức tính tiền lương ngày nghỉ lễ theo quy định chi tiết tại khoản c, điều 98 của Bộ luật Lao động 2019 như sau: Tiền lương làm thêm dịp nghỉ lễ 1 ngày = Tiền lương 1 ngày + 300% lương ngày.
Còn nếu đi làm vào ban đêm, ngoài mức lương ít nhất bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường, người lao động còn được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Ngoài ra, sẽ được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, hoặc của ngày nghỉ hằng tuần, hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Ép người lao động đi làm dịp lễ 30/4 và 1/5 bị xử phạt như thế nào?
Ngoài ra, việc nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.
Mức xử phạt tại Điều 18, Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
Cụ thể, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối cá nhân; 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật lao động.