Chồng và cháu gái Trương Mỹ Lan được đề nghị giảm án

Ngày 15/11, VKSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm do đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1.

VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan đối với hai tội danh: Tham ô tài sản (tử hình) và Đưa hối lộ (20 năm tù). Tuy nhiên, VKS đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm mức án sơ thẩm từ 20 năm tù xuống còn 16 - 18 năm tù đối với tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Tổng hợp các mức hình phạt, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn phải chịu trách nhiệm với mức án cao nhất là tử hình.

VKS cũng đề HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan), đồng thời đề nghị mức án từ 7 đến 8 năm tù đối với tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trước đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Cơ 9 năm tù.

Theo VKS, bị cáo Chu Lập Cơ đã ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông và biên bản họp Hội đồng quản trị của Công ty Times Square, qua đó đồng ý sử dụng tài sản của công ty này để thế chấp, bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay nhằm giúp Trương Mỹ Lan. Hành vi này đã gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với số tiền hơn 9.116 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Huệ Vân và Chu Lập Cơ tại tòa. (Ảnh: Dân trí, Tiền phong)

VKS nhận định, bị cáo Cơ có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả và có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội. Do đó, có cơ sở để đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

VKS cũng đề nghị giảm án cho bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái của Trương Mỹ Lan) từ 17 năm tù xuống 14 - 15 năm tù. Ngoài ra, VKS cũng đề nghị chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của nhiều bị cáo khác.

Ngoài ra, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Cao Trí, giảm mức án xuống còn từ 5 đến 6 năm tù. Bản án sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước và cựu Trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng SCB, đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 

VKS nhận định, mức án chung thân mà tòa sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Nhàn về tội Nhận hối lộ là phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

"Lẽ ra bị cáo phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, trước khi xét xử, bị cáo đã nộp lại 3/4 số tiền nhận hối lộ, nên tòa sơ thẩm đã cân nhắc giảm nhẹ. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nhàn cung cấp thêm tình tiết mới, bao gồm việc nộp thêm 1 tỷ đồng, nhưng điều này không đủ để xem xét giảm nhẹ hình phạt trước mức độ phạm tội nghiêm trọng của bị cáo", đại diện VKS nhấn mạnh.

Liên quan đến kháng cáo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), VKS cho biết tòa sơ thẩm đã giải quyết 4/6 nội dung mà SCB yêu cầu. Hai nội dung còn lại gồm tính lãi phát sinh sau khi khởi tố vụ án và khoản lãi bổ sung đối với một số khoản vay.

Theo VKS, không có cơ sở để xem xét yêu cầu tính lãi sau ngày 17/10/2022, thời điểm vụ án được khởi tố. Đến ngày 1/4/2024, một số khoản vay đã được tất toán, nên việc SCB yêu cầu tính lãi bổ sung cũng không được chấp nhận.

Về 1.166 mã tài sản, SCB đề nghị giao toàn bộ cho ngân hàng mà không xét đến điều kiện pháp lý của các tài sản bảo đảm. Viện Kiểm sát nhận định điều này không phù hợp với quy định pháp luật, vì nhiều tài sản chưa đảm bảo pháp lý hoặc chưa xác định được chủ sở hữu. Do đó, bản án sơ thẩm đã đúng khi kiến nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý.

Đối với dự án 6A, nhóm Vạn Thịnh Phát đã hoàn thành nghĩa vụ pháp lý với SCB. Vì vậy, yêu cầu của SCB về việc giao dự án này cho ngân hàng quản lý cũng không phù hợp.