Cả xóm mừng khi vợ tôi bán ô tô

Tôi luôn tôn trọng và thực sự khâm phục phụ nữ từ tận đáy lòng vì họ quá giỏi giang, bản lĩnh, là linh hồn của gia đình và động lực phát triển của xã hội. Trong gia đình tôi, vợ là nóc nhà đúng nghĩa. Nhưng về chuyện lái ô tô, tôi nghĩ nhận xét phụ nữ lái kém hơn đàn ông không phải là định kiến như quan điểm của tác giả bài “Đàn ông gây tai nạn nhiều hơn, sao lại bỉ bôi 'bán xăng cho phụ nữ là tội ác’?”.

Xung quanh tôi, rất nhiều ông chồng thường xuyên phải mang xe vợ đi sửa như tác giả “Vợ tôi lái ô tô chỉ để đua đòi, tháng nào cũng mất cả đống tiền vì va quệt”, trong số đó có tôi. Vợ tôi vừa đẹp vừa kiếm tiền giỏi, lại tốt bụng, nhiệt tình và xởi lởi nên láng giềng ai cũng quý, nhưng với tư cách nữ tài xế thì cả xóm ai cũng sợ.

Ở thành phố tỉnh lẻ nơi tôi sống, những năm gần đây các gia đình mua ô tô rất nhiều. Đường xóm được làm khang trang, rộng rãi, an ninh tốt nên mọi người thường để xe ngoài đường. Nhưng sau khi vợ tôi mua ô tô riêng một thời gian (tôi cũng có một cái nhưng buộc phải dùng thường xuyên, vợ không thể mượn lái đi làm hằng ngày), mọi người dần dần mang xe nhà mình vào sân để, đường quang đãng hẳn.

Vợ tôi vừa đẹp vừa kiếm tiền giỏi, lại tốt bụng, nhiệt tình và xởi lởi nên láng giềng ai cũng quý, nhưng với tư cách nữ tài xế thì cả xóm ai cũng sợ. (Ảnh: Pngtree)

Có lẽ họ sợ trở thành nạn nhân tiếp theo của vợ tôi, phải an ủi cô ấy là “không sao đâu” khi “con xế cưng” bị tông móp hay bị quệt xước cả vệt lớn. Mặc dù gia đình tôi chịu mọi phí tổn sửa chữa nhưng xe bị thế thì ai chẳng đau lòng. Trong vòng 2 năm vợ tôi lái ô tô, tôi đã 5 lần mang xe hàng xóm đi sửa, từ nhà sát vách đến gia đình tít tận đầu xóm. Ngoài ra còn mấy lần tôi phải chạy cả chục cây số đi giải quyết khi cô ấy “gây họa” ở ngoài.

Không chỉ là khắc tinh của ô tô, vợ tôi còn mấy lần làm cho chủ các quán ăn sáng, ăn vặt, các quầy tạp hóa dọc đường xóm tá hỏa tam tinh khi quệt phải biển quảng cáo hay bàn ghế, kệ đồ dựng chìa ra đường của họ, may mà người thì chưa ai bị sao.

Bao nhiêu năm, cán bộ xóm ra rả yêu cầu các gia đình bán hàng đừng lấn chiếm đường chung, nhưng chẳng ăn thua. Vợ tôi mua ô tô một thời gian, các bà ấy tự nguyện tự giác thu hết đồ đạc vào sân nhà mình, bộ mặt khối xóm trở nên văn minh lịch sự hẳn.

Rất may là cuối cùng vợ tôi cũng thấy mệt và chán xe bốn bánh. Cô ấy bảo việc quay xe, lùi xe, đưa xe vào điểm đỗ quá vất vả, thanh niên đi xe máy trên đường quá lộn xộn nhiều khi khiến cô ấy sợ hãi đến run tay. Vì thế, vợ bàn với tôi bán ô tô: “Công việc của em nhiều khi phải đi vào những nơi đường quá bé hoặc quá xấu, vẫn là đi xe máy tiện hơn”.

(Ảnh: Getty)

Tất nhiên là tôi ủng hộ. Sau đó, trong lần uống bia với cánh đàn ông trong xóm, anh em đua nhau cụng ly cảm ơn vợ chồng tôi vì đã tháo gỡ cho cả xóm một nỗi lo. Hôm đó tôi còn không phải trả tiền nhậu, mọi người trêu rằng đó là tiệc ăn mừng vợ tôi bán xe.

Tôi kể câu chuyện này để nói rằng, bên Tây thế nào tôi không biết, chứ ở Việt Nam, nhìn chung phụ nữ lái xe kém hơn nam giới là một sự thật, dù nhiều chị đúng là lái rất “lụa”. Tất nhiên ai lái kém mà tập luyện nhiều thì cũng sẽ giỏi hơn, nhưng có lẽ để lái được như số đông nam giới thì chị em phải tập luyện nhiều hơn họ. Đây không phải là kỳ thị hay định kiến gì cả, vì mỗi giới đều có những thế mạnh, những năng lực riêng. Nhiều việc phụ nữ làm rất giỏi nhưng đàn ông tập mãi vẫn không bằng.

Nói vậy nhưng tôi không bao giờ phản đối phụ nữ lái xe, cũng không bao giờ hùa theo ai đó mỉa mai “bán xăng cho phụ nữ là tội ác”. Trong cuộc sống hiện đại, lái xe là một kỹ năng cần thiết, giúp ích rất nhiều cho công việc và sinh hoạt gia đình. Cái gì kém thì có thể học, có thể luyện, luyện nhiều chắc chắn sẽ tốt hơn.

Tôi ủng hộ vợ bán ô tô là vì thực tế công việc của cô ấy không cần dùng riêng một chiếc. Cuối tuần, cần xe đi gặp bạn bè hay chở con đi chơi, hoặc những khi thực sự cần ô tô để đi giải quyết công việc, vợ có thể dùng xe tôi. Tóm lại, bán xe chứ không phải không lái xe nữa.

Chúng tôi cũng sẽ tận dụng những lần đi cùng nhau để tôi kèm cô ấy lái, dần dần nâng cao kỹ năng này. Đến lúc nào đó thực sự cần có ô tô riêng, vợ tôi sẽ mua xe lại.