Đầu tháng 10, Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc - đã xuất hiện tại Việt Nam. Ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu tuy mới ra đời cách đây 2 năm nhưng đã xâm chiếm các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia… và đang tiến vào thị trường Việt Nam một cách rầm rộ.
Không chỉ thu hút bởi giá sản phẩm rẻ, miễn phí giao hàng, Temu còn có các chính sách thu hút người dùng Việt Nam, đặc biệt chính sách tiếp thị liên kết của Temu đang rất hấp dẫn.
Theo đó, nếu giới thiệu người khác tải ứng dụng Temu và hoàn thành đơn hàng đầu tiên sau 30 ngày, người dùng sẽ được nhận ngay 150.000 đồng. Ngoài ra, các đơn hàng mua trong 30 ngày đó cũng được ưu đãi từ 10-30%...
Chia sẻ về sự xuất hiện của Temu tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Về giá cả, đến tôi cũng giật mình vì giá bán hàng hóa của Temu rất rẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể. Chưa thể khẳng định mức giá rẻ đó là thật hay không thật. Bộ Công Thương vẫn tôn trọng việc mua bán, thỏa thuận trên thị trường".
Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, theo quy định của Nghị định 85/2021, sàn giao dịch thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Về việc một số quốc gia có động thái dè chừng với Temu, trong đó Indonesia cấm hoạt động của sàn này, ông Tân khẳng định Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.
"Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái", ông Tân nói và cho biết sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.
Bên cạnh Temu, mới đây, 1688.com - nền tảng bán buôn của Trung Quốc thuộc Tập đoàn Alibaba - chủ yếu phục vụ nội địa đã bất ngờ thêm ngôn ngữ tiếng Việt trên phiên bản iOS và hỗ trợ giao hàng tới địa chỉ người dùng ở Việt Nam. Trước đó, ứng dụng này chỉ có tiếng Trung Quốc.
Hay Taobao - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba dù chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia lo ngại, sự đổ bộ của các sàn thương mại điện tử Trung Quốc sẽ đem theo "cơn lốc" hàng giá rẻ của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, tạo thêm áp lực cho thị trường nội địa.