Dù chưa được đào tạo bài bản nhưng cậu bé ở Đắk Lắk đã vẽ nhiều bức tranh thu hút triệu lượt xem. Đặc biệt, bức tranh về sư Minh Tuệ với những vết sần trên bàn chân của cậu đã chạm đến lòng người xem.
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao về những clip vẽ tranh đẹp như thật của bé trai Nguyễn Quang Nghĩa (10 tuổi, trú xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Đáng nói, Nghĩa chưa từng được đào tạo kỹ năng vẽ tranh. Tuy nhiên, cậu bé sớm bộc lộ năng khiếu hội họa và chinh phục cộng đồng mạng bằng những clip vẽ tranh triệu view.
Mới đây, Nghĩa thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với clip vẽ sư Thích Minh Tuệ. Không chỉ được nhận xét vẽ khá giống sư Minh Tuệ, bé Nghĩa còn khiến người xem xúc động khi lý giải về vết sần dưới chân của vị sư này.
Nghĩa cho hay, để vẽ chân dung sư Thích Minh Tuệ, bé đã xem khá nhiều video về ông. Em quan sát rất kỹ vóc dáng, trang phục của ông… Trong đó, Nghĩa chú ý đến đôi chân trần trong suốt hành trình khất thực. “Cháu xem rất nhiều clip về sư Thích Minh Tuệ và chú ý đến đôi chân của sư. Vì sư đi bộ nên bị chai sần, do đó khi vẽ, cháu rất chú ý chi tiết này để thể hiện được hành trình của nhà sư”, Nghĩa chia sẻ.
Nghĩa cho biết thêm, vẽ tranh giúp bản thân giải tỏa căng thẳng. Mỗi ngày, sau giờ học, Nghĩa giải trí bằng cách vẽ tranh. Mỗi bức tranh, bé thường mất từ 1-3,5 giờ đồng hồ để hoàn thành.
Chi tiết trong tranh Nghĩa khó vẽ nhất là đôi mắt. Với Nghĩa, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Do đó, em thường dành nhiều thời gian vẽ chi tiết này để toát lên được thần thái của nhân vật.
Chị Trần Thị Thanh, mẹ bé Nghĩa chia sẻ: “Lên 4 tuổi, con đã bộc lộ năng khiếu. Con thường xem hình ảnh trên điện thoại và nói mẹ mua bút chì để vẽ. Ban đầu, con vẽ lên tờ lịch, giấy nháp. Thấy con đam mê, vợ chồng tôi mua thêm sáp màu cho con. Nhìn những nét vẽ đầu tiên của con, vợ chồng tôi rất ngạc nhiên nên quay lại để lưu làm kỷ niệm. Đến năm lớp 3, chồng tôi bắt đầu đăng các clip con vẽ tranh lên mạng và rất vui khi nhận được nhiều ý kiến khen đẹp cũng như góp ý để con hoàn thiện hơn”.
Hiện tại, Nghĩa chưa muốn đi học lớp đào tạo vẽ chuyên sâu. Do đó, gia đình chị Thanh để con tự vẽ theo sở thích và sự sáng tạo. Người mẹ cho biết thêm, sau khi các clip vẽ tranh được đăng tải, nhiều người gửi hình ảnh mẫu để Nghĩa vẽ, điều này càng tạo sự thích thú để bé theo đuổi đam mê hội họa của mình mỗi ngày.