Không uống đủ nước, thích ăn vặt, hay nằm trên giường nghịch điện thoại, ngủ nướng cuối tuần... đều là thói xấu có hại cho sức khỏe.
1. Không uống đủ nước
Mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của bạn. Mất nước khiến máu trở nên nhớt hơn, làm tim giảm hiệu quả trong việc cung cấp oxy, chất dinh dưỡng đến các mô và cơ quan trong cơ thể.
Gợi ý: Để tính lượng nước (ml) cần uống mỗi ngày, bạn có thể quy đổi cân nặng thành pound (1 kg ≈ 2,2 pound), sau đó chia cho 2 rồi nhân với 28,35.
2. Hấp thụ không đủ chất sắt
Thiếu sắt ảnh hưởng tới lượng oxy đưa đến cơ và tế bào, gây ra tình trạng uể oải, khó chịu, suy nhược và không có khả năng tập trung.
Khuyến nghị: Ăn nhiều thịt nạc, đậu phụ, trứng, rau lá xanh đậm, các loại hạt... và ăn cùng thực phẩm giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thu chất sắt. Ngoài ra, thiếu magie nhẹ cũng có thể gây mệt mỏi. Ăn chuối và khoai tây hợp lý mỗi ngày để bổ sung magie có thể giúp chuyển hóa protein, chất béo, đường thành nguồn năng lượng.
3. Thích đồ ăn vặt
Điều này có thể khiến lượng đường trong máu tăng và giảm đột ngột, gây mệt mỏi.
Khuyến nghị: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, carbohydrate phức tạp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt và rau quả, để giúp duy trì cân bằng lượng đường trong máu. Ăn ít thức ăn nhiều dầu mỡ và hạn chế chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống xuống dưới 10%.
4. Ăn bữa sáng không lành mạnh
Ăn một bữa sáng tốt có thể kích thích quá trình trao đổi chất và cung cấp đủ năng lượng cho cả ngày. Trái lại, bỏ bữa sáng sẽ khiến bạn cảm thấy lười biếng.
Khuyến nghị: Bữa sáng phong phú nên bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, protein, trái cây và chất béo lành mạnh.
5. Ngừng tập thể dục
Những người trưởng thành quen ngồi lâu nhưng có sức khỏe tốt, tập thể dục 20 phút, ba lần một tuần, sau 6 tuần sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi và có nhiều năng lượng hơn. Tập thể dục thường xuyên giúp xây dựng sức mạnh, sức bền và hỗ trợ hệ thống tim mạch vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.
Khuyến nghị: Hầu như bất kỳ hoạt động nào cũng có thể giúp giảm mệt mỏi, chẳng hạn như ca hát, hít thở sâu, đi bộ... Nếu quá mệt để tập luyện, bạn có thể nằm xuống, kê gối dưới chân cao hơn đầu một chút để máu lưu thông lên đầu và tỉnh táo. Ở Ấn Độ, nhiều người sử dụng phương pháp này để giải tỏa mệt mỏi.
6. Thức khuya và ngủ nướng vào cuối tuần
Điều này có thể dẫn đến khó ngủ vào tối Chủ nhật và khó thức dậy vào sáng thứ Hai.
Gợi ý: Hãy thức dậy vào một thời điểm cố định vào cuối tuần. Nếu muốn chợp mắt thì không nên ngủ quá nửa tiếng để tránh khi thức dậy sẽ càng mệt hơn.
7. Nằm trên giường và nghịch điện thoại
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính bảng, điện thoại thông minh... ức chế sự tiết melatonin, làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và gây mệt mỏi.
Khuyến nghị: Tắt điện thoại ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.
8. Uống một ly rượu trước khi đi ngủ
Rượu làm giảm lượng đường trong máu, ức chế hệ thần kinh trung ương, có tác dụng an thần và cuối cùng làm gián đoạn giấc ngủ. Điều này do rượu có thể gây rối loạn bài tiết tuyến thượng thận trong quá trình trao đổi chất, khiến người uống rượu dễ bị thức giấc vào ban đêm.
Khuyến cáo: Không uống rượu trong vòng 3-4 giờ trước khi đi ngủ.
9. Dễ trở nên lo lắng vì những vấn đề nhỏ nhặt
Nếu bạn luôn cảm thấy điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra, bạn sẽ bị sự lo lắng hành hạ. Điều này có thể khiến bạn kiệt sức về thể chất và tinh thần.
Gợi ý: Khi bạn lo lắng, hãy hít một hơi thật sâu và tự hỏi về khả năng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là bao nhiêu. Hoặc đi ra ngoài và thảo luận vấn đề này với bạn bè có thể giúp bạn đối mặt với thực tế tốt hơn.
10. Không biết cách từ chối người khác
Luôn nhượng bộ những yêu cầu quá đáng của người khác có thể khiến bạn tổn hại về thể chất và sức khỏe. Tệ hơn nữa, theo thời gian, điều đó có thể dẫn đến cảm giác tức giận và oán hận.
Gợi ý: Hãy nói không với những điều bạn không thích.
11. Muốn mọi thứ hoàn hảo
Phấn đấu đạt đến sự hoàn hảo khiến công việc trở nên khó khăn hơn và thời gian làm việc kéo dài hơn.
Gợi ý: Đặt ra thời hạn hoàn thành công việc và thực hiện kế hoạch nghiêm túc. Sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng kéo dài thời gian làm việc không thực sự cải thiện được công việc.
12. Để bàn làm việc bừa bộn
Bàn làm việc bừa bộn sẽ khiến bạn mất tập trung và hạn chế khả năng xử lý thông tin của não.
Gợi ý: Sắp xếp tài liệu thành các danh mục tùy theo thói quen làm việc. Việc bố trí mọi thứ ngăn nắp sẽ giúp bạn giải quyết công việc với thái độ tích cực.
Theo WSJKW